Lịch sử Tam_Kỳ

Trước kia, từ vị trí một ngã ba, nay trở thành thành phố với nhiều giao lộ lớn. Hạ tầng phố phường đã xây dựng khá nhiều và quy mô, nhất là khu hành chánh, quảng trường,... Thị xã Tam Kỳ là một đô thị được hình thành từ lâu, có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Tam Kỳ luôn có sự phát triển không ngừng, gắn liền với vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Tam Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tam Kỳ.

Đến ngày 30 tháng 1 năm 1951 thị xã Tam Kỳ được thành lập và được chọn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, huyện Tam Kỳ được gọi là quận Tam Kỳ và trực thuộc tỉnh Quảng Tín.

Sau khi đất nước được thống nhất, ngày 20 tháng 11 năm 1976 huyện Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được lập lại trên cơ sở sáp nhập huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ, gồm 2 thị trấn: Tam Kỳ (huyện lị), Núi Thành và 22 xã: Tam An, Tam Anh, Tam Dân, Tam Giang, Tam Hải, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Lãnh, Tam Mỹ, Tam Nghĩa, Tam Phú, Tam Ngọc, Tam Phước, Tam Quang, Tam Sơn, Tam Thái, Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Thành, Tam Thạnh, Tam Tiến, Tam Xuân.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, sáp nhập xã Trà Thượng của huyện Trà My vào huyện Tam Kỳ; hợp nhất xã Trà Thượng và xã Tam Sơn thuộc huyện Tam Kỳ thành một xã lấy tên là xã Tam Trà.

Ngày 1 tháng 12 năm 1983, chia xã Tam Trà thành hai xã lấy tên là xã Tam Trà và xã Tam Sơn.

Từ đó, huyện Tam Kỳ có 2 thị trấn: Tam Kỳ, Núi Thành và 23 xã: Tam An, Tam Anh, Tam Dân, Tam Giang, Tam Hải, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Lãnh, Tam Mỹ, Tam Nghĩa, Tam Phú, Tam Ngọc, Tam Phước, Tam Quang, Tam Sơn, Tam Thái, Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Thành, Tam Thạnh, Tam Tiến, Tam Trà, Tam Xuân.

Đến tháng 12 năm 1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tam Kỳ được chia thành 2 đơn vị hành chính là: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành; thị xã Tam Kỳ có 7 phường: An Mỹ, An Sơn, An Xuân, Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, Trường Xuân và 10 xã: Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng, Tam An, Tam Dân, Tam Thành, Tam Phước, Tam Ngọc, Tam Thái, Tam Lãnh.[3]

Ngày 12 tháng 4 năm 1985, chia xã Tam Phước thành 2 xã: Tam Phước và Tam Lộc; chia xã Tam Dân thành 2 xã: Tam Dân và Tam Vinh.[4]

Ngày 28 tháng 9 năm 1994, chia xã Tam An thành 2 xã: Tam An và Tam Đàn.

Năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam được tái lập, Tam Kỳ trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, gồm 7 phường: Trường Xuân, An Sơn, Tân Thạnh, An Mỹ, An Xuân, Hòa Hương, Phước Hòa và 13 xã: Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân, Tam Đàn, Tam An, Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Thành, Tam Phước.[5]

Ngày 21 tháng 3 năm 2002, chia xã Tam Phú thành xã Tam Phú và phường An Phú.[6]

Cuối năm 2004, thị xã Tam Kỳ có 8 phường: An Mỹ, An Phú, An Sơn, An Xuân, Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, Trường Xuân và 13 xã: Tam An, Tam Dân, Tam Đàn, Tam Lãnh, Tam Lộc, Tam Phú, Tam Ngọc, Tam Phước, Tam Thái, Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Thành, Tam Vinh.

Ngày 5 tháng 1 năm 2005, thành lập phường Hòa Thuận từ một phần phường Tân Thạnh và xã Tam Đàn, chia xã Tam Thái thành 2 xã Tam Thái và Tam Đại; thành lập huyện Phú Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân, Tam Đàn, Tam An, Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Thành, Tam Phước, Tam Đại thuộc thị xã Tam Kỳ.[7]

Thị xã Tam Kỳ lúc này bao gồm các phường: Trường Xuân, An Sơn, Tân Thạnh, An Mỹ, An Xuân, An Phú, Hòa Hương, Phước Hòa, Hòa Thuận và các xã Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc.

Ngày 26 tháng 10 năm 2005, thị xã Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại III.

Ngày 29 tháng 9 năm 2006 theo Nghị định số 113/2006/NĐ-CP, thị xã Tam Kỳ được nâng cấp lên thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam [8].

Ngày 15 tháng 2 năm 2016, thành phố Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại II [9].